Giá thép giảm về đáy gần ba năm

Sau 13 lần giảm liên tiếp, giá thép về quanh 14 triệu đồng một tấn, thấp nhất kể từ cuối năm 2020 khi nhu cầu tiêu thụ vẫn còn yếu.

Những ngày qua, các thương hiệu thép lần lượt điều chỉnh giá bán sản phẩm. Hòa Phát giảm 140.000 đồng cho mỗi tấn thép thanh vằn D10 CB300 về 14,24 triệu đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã hạ giá ở cả hai loại thép phổ biến, đẩy giá thép cuộn CB240 về còn 14,04 triệu đồng một tấn.

Mức giảm 140.000-350.000 đồng cũng được các hãng Việt Ý, Việt Đức, Kyoei Việt Nam, Pomina áp dụng. Riêng Thép Miền Nam giảm 410.000 đồng một tấn cho thép CB240.

Như vậy sau 13 lần điều chỉnh liên tiếp, giá thép trên thị trường hiện về quanh 14 triệu đồng một tấn. Theo dữ liệu từ Steel Online – đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina…, đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Một số thương hiệu còn đưa giá bán về dưới mốc 14 triệu đồng như Thép Mỹ, Việt Mỹ, Việt Sing, Tung Ho. Trong đó, Thép Tuyên Quang hạ giá loại CB240 và D10 CB300 lần lượt về 13,6-13,75 triệu đồng một tấn.

triệu đồng/tấnGiá thép Hòa Phát miền Bắc từ giữa tháng 5/2022 đến nayThép CB240Thép D10 CB30011-5-202227.56.627.617.727.78.822.87.97.1024.1230.17.221.312.427.419.530.513.65.7141516171819VnExpress | Nguồn: SteelOnline7.2● Thép D10 CB300: 15.84

Ông Bùi Duy Anh – Phó tổng giám đốc kinh doanh thép Steel Online, giải thích với VnExpress rằng giá vật liệu xây dựng này giảm liên tiếp do chịu ảnh hưởng của sự suy thoái trên diện rộng ở cấp toàn cầu khi các nước tập trung chống lạm phát. Trong nước, các dự án dân dụng khởi công ít, dự án cao tốc không đủ tạo cú hích cho thị trường. Thêm vào đó, khối xây dựng tư nhân cũng tạm thời đang chờ đợi thêm những tín hiệu khác trước khi xuống tiền.

Dữ liệu của SteelOnline ghi nhận thép bán rất chậm dù thời gian này vốn được xem là cao điểm xây dựng. “Doanh nghiệp và đại lý phân phối đều rơi vào tình trạng rất ít đơn hàng nếu bán theo dạng thanh toán ngay, trong khi bán nợ thì không ai dám”, ông Duy Anh nói.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bán hàng thép các loại đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm hơn 6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.

Tình hình ngành thép hiện tại trái ngược với dự báo của các doanh nghiệp và đơn vị quan sát thị trường. Trước đó, các bên cùng nhau nêu quan điểm ngành này sẽ có diễn biến khả quan từ quý II, chậm nhất đến đầu quý III.

Trong phiên họp thường niên của Hòa Phát vào cuối tháng 3, Chủ tịch Trần Đình Long từng khẳng định những gì khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, kết quả bán hàng của doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước, vẫn đan xen hai mảng sáng – tối. Trong tháng 6, bán hàng thép các loại đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với tháng 6/2022. Riêng thép xây dựng giảm 18% so với cùng kỳ nhưng tăng nhẹ so với tháng 5.

Tính chung nửa đầu năm, Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27%.

Thời gian tới, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng giá thép vẫn chịu áp lực điều chỉnh. Dự báo về nửa cuối năm, BSC nói diễn biến giá phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thị trường. Trong khi đó, SteelOnline nói ngành thép sẽ còn gặp khó về giá cả và tình hình tiêu thụ cho đến cuối năm.

Riêng về tiêu thụ, Công ty chứng khoán VNDirect lưu ý nhu cầu sẽ yếu trong suốt năm nay. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ giảm lần lượt 9,2% và 7% so với cùng kỳ, xuống còn 9,5 triệu tấn và 3,9 triệu tấn. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tất Đạt

Sale