Xơ mướp khô, gạch men tái chế, bê tông sợi… có thế mạnh giảm phát thải khí carbon và tạo nên xu hướng mới trong xây dựng.
Ngành xây dựng phát thải carbon chủ yếu do sử dụng các vật liệu như xi măng, thép, gạch, bê tông… Theo xu hướng của thế giới, vật liệu sẽ ngày càng trở nên thân thiện môi trường, đóng góp tạo ra các giải pháp và khái niệm thiết kế mới. Dưới đây là một số sản phẩm mới được dự báo sẽ trở nên phổ biến trong xây dựng:
Xơ mướp khô
Xơ mướp là vật liệu hữu cơ bền chắc, là nơi cư trú của nhiều loại vi sinh vật và dễ dàng biến đổi để tạo ra các tấm vách ngăn cho các công trình. Ưu điểm chi phí rẻ, dễ trồng, phổ biến ở nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Sợi nấm
Công trình làm bằng từ sợi nấm thường có kết cấu và màu sắc tự nhiên đặc trưng. Hình ảnh dưới đây là một dự án xuất hiện tại Tuần lễ thiết kế Hà Lan, sử dụng vật liệu chủ đạo là sợi từ cây nấm trồng theo phương pháp hữu cơ, kết hợp khung gỗ.
Nhựa dẻo tái chế
Vật liệu này có thể tan chảy ở 120 độ C, mà không làm thay đổi tính chất ban đầu của nó. Với nguyên liệu hoàn toàn là nhựa tái chế, giúp tận dụng hiệu quả chất thải từ đô thị.
Gạch men tái chế
Gạch men đã qua sử dụng được thu thập, nghiên cứu, nghiền thành bột, trộn lại và tạo thành khối, phục vụ cho các công trình xây dựng. Sự ra đời của vật liệu này xuất phát từ thực tế mỗi năm ở Trung Quốc, ước tính có hơn 10 triệu tấn gốm sứ bỏ đi. Những chất thải rắn này không chỉ tiêu tốn tài nguyên tự nhiên mà còn sinh ra lượng khí carbon vượt quá tiêu chuẩn, gây tác hại đáng kể đến môi trường, đồng thời tạo áp lực cho quá trình xử lý.
Tre gỗ
Đây là một vật liệu mới làm từ tre, được tổ chức và gia cố lại. Độ bền của chúng gấp ba lần thép có cùng trọng lượng, độ bền lên tới 50 năm, trong khi chi phí sản xuất gần như nhau.
Sợi dệt lưới
Sợi carbon, sợi thủy tinh, cheiron, aramid và sợi bazan được dệt thành vật liệu giống như mạng nhện. Ưu điểm là độ bền và hiệu suất cao, có thể sử dụng cả trong nhà và ngoài trời.
Khánh Đăng (theo Archdaily)